Đạo Phật trong truyện dân gian.

Đạo Phật trong truyện dân gian.
 
Đức Phật thường hiện thành ông Bụt.
Bụt hiện lên giúp đỡ cô Tấm hiền lành mỗi khi cô bị mẹ con cô Cám độc ác, nham hiểm, tìm cách hãm hại. Kết cuộc là Tấm được vua lấy làm vợ. Mẹ con Cám phải đền tội. Cái thiện thắng cái ác.
Bụt giúp con người chống lại quỷ dữ. Bụt khuyên dạy con người ngày Tết trồng cây nêu, vẽ cung tên để xua đuổi quỷ.
Đầu thế kỉ XX, nhiều truyện Tàu (Tây du kí, Tam quốc chí, Thuỷ hử…) được dịch sang chữ quốc ngữ.
Truyện Tây du kí của Ngô Thừa Ân kể lại chuyến đi Ấn Độ thỉnh kinh Phật đầy vất vả của nhà sư Huyền Trang, đời Đường. Từ một sự kiện lịch sử có thật Ngô Thừa Ân đã tưởng tượng, thêu dệt thành một truyện phong thần, phù phép của đám đệ tử của Phật, Lão, Ngọc Hoàng, thần tiên, ma quỷ.
 Đọc Tây du kí ai cũng phục tài chú khỉ Tôn Ngộ Không đi mây về gió, biến hoá như thần. Lúc thì đại náo thiên cung, khi thì khuất phục ma vương. Ai cũng nhớ vanh vách các chiến công của Tôn Ngộ Không, quên cả mục đích của thầy Đường Tăng là đi thỉnh kinh Phật.
Ngoài ra, còn có truyện Phật bà Quan Âm Thị Kính, Phật bà Quan Âm Nam Hải và Phật bà Quan Âm Hương Sơn được lưu hành, phổ biến tại nước ta.
 
Xin tóm tắt sự tích 3 bà Phật Quan Âm.
 
1- Phật bà Quan Âm Thị Kính

 

 
 
Bà Thị Kính là con gái nhà họ Mãng ở nước Cao Li, được cha mẹ gả cho Thiện Sĩ.
Một hôm, Thiện Sĩ đọc sách, thiu thiu ngủ. Thị Kính ngồi may vá bên cạnh, thấy cằm chồng có sợi râu mọc ngược, bà cầm dao định cắt. Bất ngờ Thiện Sĩ thức giấc. Tưởng vợ muốn hại mình, Thiện Sĩ hoảng hốt kêu la cầu cứu.
Thị Kính bị bố Thiện Sĩ trả lại cho Mãng ông.
Bà buồn khổ, cải dạng đàn ông, bỏ nhà đi tu. Được đặt pháp danh là Kính Tâm.
Gần chùa có ả Thị Mầu tính tình lẳng lơ. Từ ngày thấy mặt tiểu Kính Tâm, Thị Mầu đem lòng yêu mến và tìm cách quyến rũ nhưng không được.
Thị Mầu tằng tịu với tên đầy tớ, rồi có chửa. Bị dân làng bắt vạ, Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm. Kính Tâm bị dân làng đánh đập. Sư cụ phải đứng ra xin.
Sư cụ đuổi Kính Tâm ra ở dưới mái tam quan.
Đẻ con ra, Thị Mầu mang đứa bé đến chùa bắt Kính Tâm nuôi. 
Vài năm sau, Kính Tâm chết. Lúc khâm liệm, mọi người bàng hoàng thấy chú tiểu Kính Tâm là con gái. Tất cả các nỗi oan của bà Thị Kính được minh giải.
Bà Thị Kính đắc đạo, trở thành Phật bà Quan Âm Thị Kính.
Truyện Quan Âm Thị Kính rất gần đời sống trần tục, không có điều gì huyền bí.
Dân gian đã gói ghém ý nghĩa của truyện bằng thành ngữ Oan Thị Kính.  
Một số chùa nước ta thờ tượng Quan Âm tống tử, tạc hình bà Thị Kính bế đứa bé (con Thị Mầu), bên cạnh có con vẹt (Thiện Sĩ).
Ai là tác giả văn bản nôm truyện Quan Âm Thị Kính? Có người cho rằng truyện đã  được một tác giả khuyết danh của thế kỉ XVIII soạn. Nhưng theo Hoa Bằng thì truyện Quan Âm Thị Kính đã được Nguyễn Cấp soạn vào giai đoạn đầu thế kỉ XIX, thời Minh Mệnh (9).
Ngày nay có vài bản Truyện Quan Âm Thị Kính được lưu truyền. Trong số này có bản được Thiều Chửu chú giải công phu theo giáo lí nhà Phật (10).
Truyện có mấy câu thơ được truyền tụng:
– Sông kia còn có kẻ dò,
Lòng người ai dễ mà đo cho cùng
(Lời cha Thiện Sĩ trách Thị Kính, được sửa đổi thành câu ca dao quen thuộc:
Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng)
– Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Sao bằng làm phúc cứu cho một người.
(Tiểu Kính Tâm trả lời sư cụ lúc nhận nuôi con Thị Mầu. Câu nói chứng tỏ trò tu hành đã vượt xa thầy).
Bên cạnh Phật bà Quan Âm Thị Kính dân ta còn thờ Phật bà Quan Âm Nam Hải và Phật bà Quan Âm Hương Sơn.
 
2- Phật bà Quan Âm Nam Hải
 
Bà tên là Diệu Thiện, con vua Diệu Trang, nước Hưng Lâm.
Năm Diệu Thiện 16 tuổi, vua cha muốn bà lấy chồng để có người truyền ngôi. Nhưng bà nhất định không chịu. Muốn được đi tu.
Nhà vua đành phải chấp thuận cho Diệu Thiện ra tu tại chùa Bạch Tước. Hi vọng rằng sau một thời gian sống cực nhọc, bà sẽ xin trở về cung điện. Và cuối cùng sẽ chịu lấy chồng.
Không ngờ Diệu Thiện quyết chí ở lại chùa tu hành.
Vua cha tức giận, sai người đốt chùa. Bắt Diệu Thiện về cung, ép lấy chồng. Nhưng bà vẫn khăng khăng từ chối.
Vua hạ lệnh đem Diệu Thiện ra chém. Đao vừa giơ lên thì bị gãy đôi. Vua sai người thắt cổ bà. Trong lúc mê man bất tỉnh, hồn bà được một con hổ cõng tới Tùng Lâm. Diệu Thiện được dẫn đi thăm viếng Thập điện dưới địa ngục.
Lúc tỉnh lại Diệu Thiện được Phật khuyên đến tu tại núi Phổ Đà, cù lao Hương đảo, ngoài Nam Hải.
Sau ngày hại Diệu Thiện, vua Diệu Trang mắc bệnh, sai người đi tìm danh y. Diệu Thiện giả dạng một nhà sư già đến xin chữa bệnh cho vua, bảo phải đến Phổ Đà xin mắt và tay người về làm thuốc.
Vua sai Triệu Chấn, Lưu Khâm đến Phổ Đà. Diệu Thiện hiến mắt và tay.
Vua khỏi bệnh, cùng hoàng hậu đến Phổ Đà tạ ơn.
Được Diệu Thiện khuyên giải, vua Diệu Trang quyết định bỏ ngai vàng, cùng hoàng hậu đi tu.
Diệu Thiện đắc đạo, trở thành Phật bà Quan Âm Nam Hải.
Truyện Quan Âm Nam Hải của Tàu pha trộn nhiều tình tiết quái dị, hoang tưởng.
Phật bà Quan Âm Nam Hải được giới buôn bán bằng đường biển tôn thờ.
 
3- Phật bà Quan Âm Hương Sơn
 
Truyện Quan Âm Nam Hải được Kiều Oánh Mậu (đỗ phó bảng khoa Tự Đức Canh Thìn, 1880), phóng tác thành truyện Hương Sơn Quan Thế Âm (11).
Hai truyện có nội dung giống nhau. Cùng kể sự tích Diệu Thiện, con vua Diệu Trang, nước Hưng Lâm. Nhưng Kiều Oánh Mậu đã thay đổi vài chi tiết:
– Truyện Hương Sơn Quan Thế Âm xảy ra dưới thời nhà Trần tại nước ta.
– Lúc bị thắt cổ, mê man bất tỉnh, hồn Diệu Thiện được hổ cõng tới chùa Hương Tích (chùa Hương), tại Hương Sơn của nước ta.
– Diệu Thiện tu 9 năm tại chùa Hương Tích, nơi có đặc sản rau sắng:
Trà mai càng nhắp càng thanh
Càng canh rau sắng càng lành càng ngon
Bà đắc đạo, thành Phật Quan Âm Hương Sơn.
Quan Âm Nam Hải của cư dân biển đảo đã được Kiều Oánh Mậu Việt hoá thành Quan Âm Hương Sơn của cư dân đồng bằng.
Là một nhà khoa bảng nhưng Kiều Oánh Mậu lại quan niệm rằng:
Xưa nay tiên, Phật, thánh, hiền
Dẫu cho khốn nạn truân triên chẳng rời
Chữ rằng tam giáo nhất nguyên
Thích Ca, Khổng, Lão thánh hiền đời xưa.
Có lẽ vì vậy mà ông đã chấp nhận cả những điều mê tín dị đoan của đạo Lão biến thể.
Rốt cuộc, dân gian nước ta có 3 bà Phật Quan Âm. Bà Thị Kính người Cao Li, bà Diệu Thiện người Tàu và bà Diệu Thiện người Việt gốc Hoa.
***