Gotama là ai?

Nhận thức sự thật về Phật Thích Ca Gotama

Khi viết tiểu sử có thật của đức Phật Gotama, điều cần thiết là phải xem xét bối cảnh chính trị và xã hội của thời đại Ngài.

Bằng cách tiếp xúc trực tiếp với hình ảnh đức Phật Gotama xuất hiện từ sự nghiên cứu có tính cách phê bình, chúng ta sẽ học được những điều có ý nghĩa sâu sắc.

Đi tìm dấu vết cuộc đời đức Phật Gotama như một nhân vật trong lịch sử đòi hỏi một số lượng công trình nghiên cứu thật rộng lớn.

” Phân biệt đức Phật Gotama sống thực trong lịch sử nhân loại ở thời Ngài với đức Thích Ca Mâu Ni trong huyền thoại của thời sau “. Đây là một vấn đề của giới nghiên cứu Phật giáo trên toàn thế giới, mà trong thế kỷ XX, ở phương Tây đã xuất hiện 3 trường phái lớn. Đó là trường phái Anh – Đức, trường phái Pháp – Bỉ và trường phái Nga. Về vấn đề này, chúng tôi quan niệm cuộc đời đức Phật đã được các vị đệ tử của Ngài viết lại.

Vậy làm thế nào ta có thể phân biệt đức Phật Gotama sống thực trong lịch sử của nhân loại ở thời Ngài với đức Thích Ca Mâu Ni trong huyền thoại của thời sau ?

Cuộc đời đức Phật là một mẫu mực an tịnh hoàn hảo, vì vậy ý tưởng đàn áp không có ý nghĩa gì. Nhưng quan trọng hơn, đối với cách tư duy Ấn Độ cũng như Phật giáo. Định luật vạn pháp có giá trị hơn các hiện tượng cá thể. Do đó các đệ tử Phật đã có khuynh hướng che giấu cá nhân và các thành quả của đức Phật Gotama đằng sau bức màn sử dụng biểu tượng có tính huyền thoại và giả tưởng để nhấn mạnh ý nghĩa của Định luật vĩnh hằng và phổ quát khắp vạn vật ( Dharma ). Sự nghiên cứu sau này sẽ phân biệt các tài liệu nguyên thùy và các tài liệu hậu lai rồi đặt chúng vào đúng thứ tự.

Gia tộc Thích ca:

Ở Ấn Độ từ cổ đại đã có tục lệ nói đến vị sáng lập đạo Phật là đức Phật. Cách dùng từ này đã đươc tuân thủ rộng rãi  suốt vùng Nam Á và phương Tây. Ở Trung Hoa Buddha đầu tiên được dịch là Phật và về sau là Phật đà; các chữ này cũng được dùng ở Nhật Bản. Buddha có nghĩa là ” bậc Giác ngộ, bậc đã đạt Chân lý” . Chính với ý nghĩa này mà nó cũng được dịch vào một chữ Hán kép, được lấy từ chương ” Chấn chỉnh tranh luận ” của Trang Tử, một tác phẩm cổ điển ở TK IV trước TL của Trang Tử, hiền sĩ Trung Hoa. Người Tây Tạng dịch từ BuddhaSans-rgyas, có nghĩa là ” bậc thăng tiến, thanh tịnh “. Dù gì đi nữa, các từ này đều không phải danh từ riêng mà đúng hơn là danh từ chung tượng trưng đời sống lý tưởng theo đạo Phật. Một số nhiều vị Phật có thể hiện hữu; đạo Phật xem con số này là vô tận.

Gotama và hoàn cảnh:

Vị sáng lập đạo Phật trong lịch sử được nói đến là đức Phật Gotama. Đức Phật Gotama là từ Pàli chuyển dịch, trong chữ Sanskrit  viết là đức Phật Gautama, như trong chữ Ấn và chữ Sinhalise, ngôn ngữ gốc Ấn này của Sri Lanka đã dần trở thành hết sức gần với chữ Sanskrit từ TK thứ XII hoặc XIII.

Các kinh văn Phật giáo cổ ghi lại rằng đức Phật Gotama sinh ra trong bộ tộc Thích ca (Sàkiya ; Skt., Sàkya ) và điều này được xác nhận bằng bia ký thuộc di tích ở Piprahwà . Nói đúng ra, chữ Sàkya chỉ bộ tộc ( jàti ) mà đức Phật Gotama trực thuộc  và từ thởi nguyên thủy đã sống ở thung lũng Terai của Nepal ngày nay. Đôi khi đức Phật còn được gọi là Thích tử, có nghĩa là ” sinh ra từ dòng họ Thích “, cũng theo cách ấy mà Mahàvìra  ( bậc Đại hùng ), vị sáng lập Kỳ na, được gọi là Nàtaputta ( nam tử của bộ tộc Nata: Nhã đề tử ). Sàkya có nghĩa là ” người đầy tài trí và dũng lực “, có lẽ chứng tỏ rằng bộ tộc ấy cầm quyền ở miền này.

Đức Phật Gotama cũng còn được gọi là Sakyamuni (Skt., Sàkyamuni : Thích ca mâu ni ), bậc hiền sĩ của bộ tộc Thích ca. Hình dung từ Nhật Bản Shakuson có thể diễn dịch ý nghĩa này, hay nó có thể là từ vắn tắt của Shakamuni seson         ( Thích ca mâu ni, đức Thế tôn ) .Danh hiệu Sakyamuni chỉ xuất hiện thỉnh thoảng trong các tầng lớp tối cổ của kinh điển Phật giáo nguyên thủy.

Vì bộ tộc Thích ca ( Sakya ) không theo các truyền thống Bà la môn, nên các Bà la môn xem họ là thô tục và xa lạ. Trong Kinh Ambattha số 3, của Trường Bộ ( Dìgha-nikàya ), cậu thanh niên Bà la môn này nói với đức Thích ca mâu ni như sau:

– Thô lỗ là bọn sinh ra trong dòng họ Thích ca. Hạ tiện là bọn sinh ra trong dòng họ Thích ca. Khinh suất là bọn sinh ra trong dòng họ Thích ca. Hung  bạo là dòng họ Thích ca. Chúng không tôn sùng, quý trọng, kính phục, cung dưỡng ( cúng dường ) hay lễ bái các Bà la môn  cho dù chúng là hạng hạ tiện. Thật không phải phép, không thích hợp khi bộ tộc Thích ca này là hạng hạ tiện lại không tôn sùng , quý trọng, kính phục, cung dưỡng hay lễ bái các Bà la môn.Lần đầu tiên thanh niên Bà la môn Ambattha buông lời nhục mạ bộ tộc Thích ca.

Bộ tộc Thích ca cố ý làm ngơ trước uy quyền của các Bà la môn, nên số người này khinh bỉ họ. Thanh niên Bà la môn Ambattha nói:

-Có 4 giai cấp ( vanna ): Quý tộc ( Sát đế lỵ ), giáo sĩ ( Bà la môn ), thường dân ( Vệ xá ), và nô lệ ( Thủ đà ). Trong 4 giai cấp này, cả quý tộc, thường dân và nô lệ đều phục vụ các Bà la môn. Thật không phải phép, không thích hợp khi bộ tộc Thích ca này là hạng hạ tiện lại không tôn sùng, quý trọng, kính phục, cung dưỡng ( cúng dường ) hay lễ bái các Bà la môn  cho dù chúng là hạng hạ tiện.

Theo cách này , lần thứ 3 thanh niên Bà la môn Ambattha buông lời nhục mạ bộ tộc Thích ca”

Bộ tộc Thích ca theo một loại chính thể cộng hòa. Có một hội trường trong kinh thành Kapilavatthu của họ.

Khi bộ tộc Mallà ở xứ Pàvà xây một hội trường mới được gọi là Ubbhataka, họ lập tức mời đức Thích ca đến thăm nơi đó. Một chuyện khác tường thuật  cách tướng quân Vidùdabha ( thái tử của Đại vương Pasenadi ) đã phản ứng giận dữ thế nào khi ông đến xứ sở bộ tộc Thích ca, nơi mẹ ông được sinh ra, và bị đối xử với vẻ khinh khi vì địa vị gia tộc hèn mọn của bà, cùng với cách cái chỗ        ( ghế ) ông ngồi trong hội trường được xem là ô uế ra sao. Sự kiện này tiết lộ rằng chỉ những người quyền cao chức trọng tập họp trong hội trường. Tương truyền trong những năm cuối đời, đức Phật ca ngợi chế độ cộng hòa, có lẽ là do kinh nghiệm thời niên thiếu ngài từng hội họp và bàn luận trong hội trường. Nói chung, bầu không khí của bộ tộc Thích ca là rộng rãi cởi mở, và thậm chí đối với thời đó là tiến bộ và cải cách. Như vậy là hoàn cảnh trí thức từ đó đức Phật xuất hiện.

Bộ tộc Thích ca từ lâu đã chịu lệ thuộc các vua chúa thống trị Kosala ( Kiều tát la ). Theo Kinh  tập ( Suttanipàta, Sn ) , một vần kệ được gán cho đức Thích ca mâu ni ngâm vào thời ngài thực hành khổ hạnh:

Trên sườn đồi núi của Tuyết Sơn, tâu Đại vương,

Một dân tộc, là cư dân của xứ Kosala, vẫn sống,

Có bản chất đạo đức , đầy đủ tài sản và hùng lực.

Chắc hẳn họ có mối liên hệ phụ thuộc với xứ Kosala ( phỏng chừng vùng Oudh ngày nay ), rồi một thế lực mới nổi lên cai trị xứ Ajodhya ( Skt., Ayodhyà ) và Kàsi ( Skt., Kàsi, là Vàrànasì ngày nay ) và có lẽ một số vùng đất của các bộ tộc nhỏ yếu như bộ tộc Thích ca cũng đều lệ thuộc xứ  Kosala hình như vẫn còn tiếp tục cho đến những năm cuối đời đức Phật.

Kinh Khởi thế nhân bổn ( Agganna-suttanta), số 27, trong Trường Bộ (Dìgha-nikàya, DN ) II, và Kinh Tiểu duyên, số 5 của Trường A hàm I , ghi lại lời ngài dạy:

Bộ tộc Thích ca là chư hầu của Đại vương Pasenadi ( Ba tư nặc ) ở xứ Kosala. Bộ tộc phục tùng vua ấy, cúi đầu kính lễ vua ấy, đứng dậy từ chỗ ngồi để chào đón vua ấy, chắp tay thỉnh cầu vua ấy và nhận một vị trí hèn mọn đối với vua ấy. Cũng vậy, Đại vương Pasenadi của xứ Kosala phục tùng đức Như Lai, cúi đầu kính lễ ngài ( ta ) , và nhận một ví trí hèn mọn đối với ngài. Vua nói :” Chẳng phải Sa môn Gotama có nguồn gốc sinh trưởng tốt ( thiện sinh: Sujàtà )? Còn ta không có thiện sinh ( dujjàta ). Sa môn Gotama mạnh mẽ, nhưng ta yếu đuối, Ngài có hảo tướng , còn ta dị hình. Ngài có ảnh hưởng lớn, còn ta chỉ có ảnh hưởng nhỏ”.

Dĩ nhiên điều đáng nghi ngờ là không biết một vị vua đầy quyền thế nhứ vậy có thốt ra những lời lẽ khiêm tốn này không. Tuy nhiên, đoạn kinh trên cũng cho ta biết rằng vua xứ Kosala đã công nhận đức Phật có thiện sinh, dù ngài là người của bộ tộc Thích ca và xứ Kosala có thế lực hơn bộ tộc Thích ca. Điều chắc chắn là vua Pasenadi rất kính trọng đức Thích ca mâu ni như một bậc đạo sư, vì vua đã du hành trên vương xa xuyên qua các thành phố của bộ tộc Thích ca như Nagaraka để hội kiến đức Phật. Bộ tộc Thích ca thời ấy phục tùng xứ Kosala, thực ra có thể đã thuộc về một sắc dân tộc thiểu số khác với dân chúng ở Kosala. Về sau họ bị chính uy lực của nước ấy tiêu diệt vào thời Đại vương Vidùdabha ( thái tử của Đại vương Pasenadi ).

Tổ tông của đức Phật :

Trong các vần kệ đầu tiên, đức Phật Gotama thường được gọi là thân thuộc của mặt trời ( Adiccabandhu ). Thân thuộc của mặt trời, được dịch thành từ Hán kép là Nhật tông, dòng họ mặt trời. Một vần kệ trong Kinh Tập (423) nói rằng đây là tộc tính ( gotta ) của ngài. Vì vậy Gotama là một thành phần của một gia tộc trong bộ tộc Thích ca có nguồn gốc tổ tông từ mặt trời, một gia tộc tự hào là ” thân thuộc của mặt trời “.

Các huyền thoại có một số hoàng gia tự xưng là con cháu mặt trời không chỉ giới hạn ở Ấn Độ. Huyền thoại Nhật Bản liên kết một vị thần với mặt trời được miêu tả là tổ tiên của hoàng gia, Amaterasu Omikami ( Đại thiên thần chiếu sáng cõi trời ), và các bộ tộc da đỏ ở châu Mỹ cũng có những huyền thoại tương tự. Giống như người Nhật tự hào với huyền thoại mặt trời về nguồn gốc hoàng gia của mình, các đệ tử Phật ở Ấn Độ  chắc hẳn đã tự hào rằng gia tộc Thích ca xưng họ là con cháu mặt trời. Sử thi Ấn Độ cũng có các cổ tích nói rằng toàn thể loài người đều  phát xuất từ mặt trời.

Gia tính của đức Phật là Gotama. Trong vài trường hợp từ này được xem là tộc tính ( gotta ) của ngài. Có một thi sĩ tên là Gautama ( từ Sanskrit của Gotama ) xuất hiện trong kinh Rg Vệ Đà. Từ này về số nhiều chỉ các hậu duệ của vị ấy. Tuy nhiên, vị Gautama ấy không được gán vinh dự là tác giả của bài thơ nào trong kinh Rg Vệ đà cả. Danh từ Gautama cũng xuất hiện trong gia tộc Bràmana với ý nghĩa ” các hậu duệ của Gotama “. Trong từ Sanskrit thông thường, Gautama có ý nghĩa phụ hệ là ” thân thuộc  của hiền sĩ Gotama” . Đó là một dòng họ (Skt., pravara; Pàli: pavara  ) trong một gia tộc  Ba la môn (Skt., gotra ; Pàli: Gotta ). Điều này có thể được chứng minh qua các bia ký . Tuy nhiên, những lời xác định trong các nguồn kinh Phật không phù hợp với điều này:

  1. Gotama được diễn tả là gotta của đức Phật. Có lẽ vì các đệ tử Phật không quan tâm về từ pravara của Bà la môn nên họ gọi pravaragotta. Thay vào đó , các dân tộc ở Nepal cũng có thể đã không quan tâm phân biệt gottapravara.
  2. Về phương diện kinh điển của đạo Bà la môn, Gotama rõ ràng là tên gọi được dùng giữa các vị Bà la môn. Tuy nhiên, theo kinh Phật , bộ tộc Thích ca lại có gia tộc Gotama mặc dù họ là các vua chúa Sát đế lỵ.

Trong các kinh Vệ đà, Gotama là tên của một hiền sĩ ( rsi ) thuộc bộ lạc Angirasa. Tên này xuất hiện trong các thánh ca của Rg Veda. Trong một số vần kệ cổ của kinh Phật, đức Phật Gotama được xưng hô là Angirasa , điều này ám chỉ là dân chúng thời ấy biết về mối quan hệ giữa Gotama và Angirasa trong các kinh Vệ đà. Ở đây một lần nữa, ta lại thấy các dây liên kết giữa kinh Phật và truyền thống Vệ đà, mặc dù có sai lệch đôi chút.

Go nghĩa là ” bò cái “, và tama là tiếp vĩ ngữ ở cấp cao nhất, có nghĩa là ” tối thắng, tối đại ” . Không có một trường hợp nào được biết về gotama được dùng như danh từ  chung  với nghĩa ” tối thắng ngưu “, nhưng chắc chắn dân Ấn Độ cổ đại được nhắc nhở  ý nghĩa này khi họ nói từ kia và Gotama ắt hẳn đã được xem là một tộc tính tốt lành. Ý tưởng tôn sùng bò cái xuất hiện trong kinh văn Vệ đà, và một khái niệm tương tự cũng có mặt còn sớm hơn trong nền văn minh ở thung lũng sông An. Gautama hay Gotama xuất hiện trong kinh Vệ đà là tên của một hiền sĩ và Mahàvìra, vị sáng lập đạo Kỳ na, thường  giảng  dạy  một người có cùng tên ấy, vậy rõ ràng là Gotama được dùng như gia tính hay tộc tính không chỉ giữa các đệ tử Phật mà còn giữa toàn dân Ấn nữa.

Ngay cả trước khi bò cái được dùng rộng rãi cho nông nghiệp, chúng đã rất quen thuộc với dân Ấn từ thởi kỳ Vệ đà về nguồn sữa và thịt  được ăn sau lễ hiến tế. Tộc tính Gotama có thể đã xuất hiện vì gia súc được xem là hình thức tài sản chính. Vào thời bộ tộc Thích ca bắt đầu dùng tộc tính Gotama, họ đã có đời sống nông nghiệp ổn định và đàn trâu bò được đánh giá là bầy gia súc có giá trị tài sản cao. Như vậy họ không khó khăn gì khi chấp nhận tộc tính Gotama như một danh tộc tôn quý.

vì đức Thích ca mâu ni được sinh ra trong một gia đình cai trị, ngài được xem là ” sinh trong giai cấp quý tộc Sát đế lỵ, trong một gia đình quý tộc “. Mahàvìra, vị sáng lập đạo Kỳ na, cũng được sinh trong một gia đình quý tộc. Tuy nhiên, các kinh văn về sau lại nhấn mạnh tính ưu thắng của tổ tông đức Phật Gotama. Kinh Chủng Đức ( Sonadanta-suttanta ) của Trường Bộ ( Dìgha-nikàya, D.N ), số 4, nói: ” Quả thật Sa môn Gotama thiện sinh, cả về mẫu hệ lẫn phụ hệ, có huyết thống thuần túy suốt bảy đời tổ tiên, không có gì sai lạc hay đáng chê trách về vấn đề tổ tông cả.”

Dân chúng thời ấy có lẽ chuyên cần và sống đời sống sung túc. Huyền Trang ( 596-664 ) đã viết về Kapilavatthu trong du ký của ông , Đại Đường tây vực ký, rằng ” vùng đất này phong phú, phì nhiêu và được canh tác theo đúng mùa. Khí hậu điều hòa và phong cách của dân chúng thật ung dung thư thái và vô tư “. Ký sự này nói rằng thành phố có chu vi khoảng 4.000 dặm. Miền này suy tàn suốt thời trung cổ nhưng  đã bắt đầu sản xuất nhiều hơn từ thế kỷ vừa qua.

Đoạn trích dẫn ở trên  miêu tả vùng đất phong phú và hình như điều này là sự thật. Lúa được trồng khắp vùng ngay cả thời nay và trong thời đức Phật, canh tác mễ cốc đã thịnh hành. Danh hiệu quốc vương là Tịnh Phạn, lúa sạch, xác nhận điều này. Hơn nữa, vùng này nằm ở trong vị trí chiên lược nối liền nhiều quốc gia khác nhau của bình nguyên sông Hằng và miền núi, một vị trí thuận lợi cho mậu dịch và thương mại.

Kinh thành Kapilavatthu

Kinh thành của bộ tộc Thích ca là thành phố ( pura ) Kapilavatthu ( Skt., Kapilavastu )”…” Và ở đó , bộ tộc Thích ca an cư lạc nghiệp trong thành Kapilavatthu.

Kapilavatthu được miêu tả là được dựng lên ở chân đồi Tuyết Sơn bên bờ sông có tên Bhàgirathì, nghĩa là ” con sông được hiền sĩ Bhàgirathì đưa đến mặt đất nhờ ân phước của thần Siva” . Tên sông Bhàgirathì ám chỉ sông Hằng, nhưng có lẽ tên ấy còn đang được thảo luận vì nó chính là một phụ lưu của sông Hằng.

Mặc dù các đô thị ( nagara ) đã xuất hiện ở Ấn Độ vào thời đức Phật, Kapilavatthu lại không được nói đến theo cách này, điều ấy gợi ý rằng có thể nó đã không đặc biệt rộng lớn. Tuy thế, khi đạo Phật được truyền bá, thành phố quê nhà của đức Thích ca mâu ni thu hút sự chú ý, vì thế trong các kinh văn về sau, nó dần được gọi là đô thị và là một kinh thành của vua ( ràjadhànì ).

Kapivalatthu có vẻ đã suy tàn sau khi vua Kaniska băng hà. Pháp Hiển ( 340?-420?) miêu tả nó như sau:

Cách không đầy một yojana ( yojana: Do tuần, độ 7 cây số ) về phía đông nơi này ( nơi đản sinh đức Phật Konàgamana ), chúng tôi đến Kapivalatthu. Trong thành phố không còn vua chúa thàn dân gì nữa, và mọi vật vô cùng hoang vắng. Chỉ có vài Tỷ kheo và vài chục ngàn gia đình thường dân. Ở nơi xưa kia là cố cung của vua Suddhodana, có dựng tượng của mẫu hậu thái tử. Đó là bức tượng tạc hình thái tử cỡi voi trắng nhập mẫu thai. Các ngôi tháp đã được dựng lên nơi thái tử quay lại sau khi thái tử rời cổng phía đông cung điện và thấy người bệnh; nơi Asita ( hiền sĩ ) đã quan sát các hảo tướng của thái tử; nơi đức Phật cùng Nanda và nhiều người khác đã hàng phục con voi; và nơi ngài bắn mũi tên.( Lúc ấy ) mũi tên bay xuống đất ba mươi li (dặm) về phía đông nam làm cho một dòng suối phọt lên. Người đời sau tạo thành một cái giếng cho lữ khách uống….Các ngôi tháp cũng được dựng lên nơi đức Phật trở về thăm phụ vương sau khi thành đạo; nơi năm trăm vị Thích ca xuất gia và kính lễ tôn giả Upàli ( Ưu ba ly ) và mặt đất xoay chuyển sáu cách khác nhau; nơi đức Phật thuyết pháp cho các vị thiên ( deva ) và bốn thiên vương canh giữ bốn phương để không ai đi vào được dù là phụ vương ngài; và nơi đức Phật an tọa dưới cây nigrodha nhìn về hướng đông và đức bà Mahàpajàpatì Gotamì ( Kiều đàm di ) cung dâng ngài chiếc y samghàtì ( tăng già lê ). Cây này vẫn còn đứng đây. Một ngôi tháp được dựng lên nơi vua Vidùdabha tàn sát bộ tộc Thích ca, những người này vừa từ trần đều đắc quả Sotàpana ( Tu đà hoàn : Dự lưu, nhập vào dòng nước đưa đến Niết bàn ) và ngôi tháp này vẫn còn đứng đó. Cách thành phố về phía dông bắc nhiều dặm là cánh đồng của vua cha, nơi thái tử ngồi dưới gốc cây ngắm cảnh cấy cày.

Alexander Cunningham tin rằng đoạn miêu tả của Pháp Hiển thật là vô giá đối với nỗ lực của ông để xác định vị trí Kapilavatthu. Vùng này vẫn còn trong cảnh điêu tàn khi Huyền Trang đến tham quan hơn 2 thế kỷ sau:

Xứ sở Kapilavatthu có chu vi độ 4.000 dặm. Ở đây có mười thành phố trống vắng ( không người ) và tiêu điều cùng cực. Kinh thành bị tàn phá đổ nát và khó đo đạc chu vi. Bên trong, cung vua có chu vi độ 14 hay 15 dặm . Cung được xây bằng gạch chồng chất, với các nền móng vẫn còn cao và vững chắc. Nó đã bị hoang phế từ lâu. Chỉ còn ít nơi có người ở. Không có các vị đại lãnh chúa ( vị cai trị xứ sở nói chung ). Mỗi thành phố dựng lên một vị lãnh đạo riêng. Đất đai phong phú phì nhiêu và được canh tác đúng mùa. Khí hậu điều hòa, phong cách dân chúng ung dung thư thái. Có những tàn tích của các samghàràma ( khu tinh xá của giáo hội ) trong hơn một ngàn nơi. Vẫn còn một samghàràma kế cận cung vua và là nơi tiếp nhận hơn 3.000 Tỷ kheo cư trú. Họ học giáo lý của phái Sammitìya theo Hìnayàna ( Tiểu thừa ). Có 2 đền thờ thiên thần ( deva ) ở nơi có các tín đồ của một phái ngoại đạo đang sống.

Dù chỉ còn di tích của các thành phố, Huyền Trang cũng kết hợp chúng với cổ tích :

Bên trong cung vua là một ngôi nhà đổ nát. Đây là chính điện của vua Suddhodana. Ở trên ( di tích ấy ) là một tinh xá có tôn trí bức tượng của vua. Gần đó là di tích của một ngôi nhà, hậu cung của đức bà Mahàmàyà. Phía trên là một tinh xá có tôn trí bức tượng  của vương hậu. Gần đó là một tinh xá , chính là nơi Bồ tát giáng trần nhập mẫu thai. Bên trong ( tinh xá ) là bức họa Bồ tát giáng trần từ thiên giới. Theo phái Theravàda , Bồ tát nhập mẫu thai vào đêm ba mươi tháng uttara – àsàlhà ( hạ tuần tháng Àsàdha ), tương đương với ngày 15 tháng 5 ở Trung Quốc. Các tông phái khác bảo rằng ngài nhập mẫu thai trong đêm 23 tháng ấy, tương đương với ngày 8 tháng 5 ở Trung Quốc.

Các thôn làng và thành phố thuộc bộ tộc Thích ca được miêu tả trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, ngoài Kapilavatthu, gồm có Càtumà, Khomasussà, Metarùpa ( Ulumpa ), Nagaraka, Sakkara, Sàmagàma, Silàvatì, và Vedhanna. Các thôn làng của bộ tộc Koliya được nói đến trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy là Devadaha, Hallidavasana, Kakkarapatta, Kundi, Ràmagàma, Sajjanela, Sàpùga, và Uttara.

Chính trong bối cảnh văn hóa và lịch sử như vậy mà đức Thích ca mâu ni đã xuất hiện.

Theo Đức Phật Gotama – 1 tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất.

Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam

Tác giả: Hajime Nakamura

Trần Phương Lan dịch