Phương pháp bố thí có hiệu quả ở đời

1. Chỗ nào, bạch Thế Tôn, bố thí cần phải đem cho?

Thưa Ðại vương, tại chỗ nào, tâm được hoan hỷ.

2. Chỗ nào cho được quả lớn?

– Cho người trì giới được quả báo lớn.

Chi tiết:

IV. Cung Thuật (S.i,98)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

Chỗ nào, bạch Thế Tôn, bố thí cần phải đem cho?

3) Thưa Ðại vương, tại chỗ nào, tâm được hoan hỷ.

4) Bạch Thế Tôn, chỗ nào cho được quả lớn?

5) — Thưa Ðại vương, câu : “Chỗ nào bố thí cần phải đem cho” khác với câu: “Chỗ nào cho được quả lớn”. Thưa Ðại vương, cho người trì giới được quả báo lớn. Cho người không giữ giới không được như vậy. Về vấn đề này, thưa Ðại vương, Ta sẽ hỏi Ðại vương, Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời câu hỏi ấy như vậy.

6) Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, Ðại vương đang lâm chiến, và cuộc giao tranh đang tiếp diễn dữ dội. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đến, không có học tập, không có huấn luyện, không có thực tập, không có phục vụ, rụt rè, sợ hãi, run sợ. Ðại vương có chấp nhận người ấy không? Ðại vương có ủng hộ người ấy không, và một người như vậy có lợi ích gì cho Ðại vương không?

7) — Bạch Thế Tôn, con không ủng hộ người ấy và một người như vậy không có lợi ích gì cho con cả.

8) Rồi một thanh niên Bà-la-môn, không có học tập… Rồi một thanh niên Vessa (thương gia) đến… Rồi một thanh niên Sudda (Thủ-đà: cùng đinh) đến, không có học tập…,… và một người như vậy không có lợi ích gì cho con cả.

9) — Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, Ðại vương đang lâm chiến, và cuộc giao tranh đang tiếp diễn dữ dội. Rồi một thanh niên Sát-đế-lỵ đến, có học tập, có huấn luyện, có thực tập, có phục vụ, không rụt rè, không sợ hãi, không run sợ. Ðại vương có chấp nhận người ấy không? Ðại vương có ủng hộ người ấy không, và một người như vậy có lợi ích gì cho Ðại vương không?

10) — Bạch Thế Tôn, con ủng hộ người ấy. Và một người như vậy có lợi ích cho con.

11) — Rồi một thanh niên Bà-la-môn đến, có học tập… Rồi một thanh niên Vessa đến… Rồi một thanh niên Sudda đến có học tập..,…. và một người như vậy có ích lợi gì cho Ðại vương không?

12) — Bạch Thế Tôn, con ủng hộ người ấy và một người như vậy có lợi ích cho con.

13) — Cũng vậy, thưa Ðại vương, dầu cho một người có xuất gia từ một gia đình nào, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đoạn trừ năm chi và hội đủ năm chi. Bố thí cho một người như vậy có quả báo lớn.

14) Thế nào là năm chi được đoạn trừ? Tham dục được đoạn trừ, sân được đoạn trừ, hôn trầm thụy miên được đoạn trừ, trạo hối được đoạn trừ, nghi được đoạn trừ. Năm chi này được đoạn trừ.

15) Thế nào là năm chi được hội đủ? Vô học giới uẩn được hội đủ, vô học định uẩn được hội đủ, vô học tuệ uẩn được hội đủ, vô học giải thoát uẩn được hội đủ, vô học giải thoát tri kiến uẩn được hội đủ. Năm chi này được hội đủ.

16) Chính một người như vậy, năm chi được đoạn trừ, năm chi được hội đủ, bố thí cho người như vậy được quả báo lớn.

17) Thế Tôn nói như vậy. Rồi bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Vị vua đang lâm chiến,
Sẽ giữ lại thanh niên,
Cung thuật được thiện xảo,
Dõng mãnh đầy khí lực.
Nhà vua không tuyển chọn,
Theo tiêu chuẩn thọ sanh.
Cũng vậy, người có trí,
Kính lễ bậc hạ sanh,
Bậc này sống Thánh hạnh,
Nhẫn nhục và hiền hòa.
Hãy làm cốc thoải mái
Dựng nhà cho đa văn,
Rừng khô làm bể nước,
Hiểm trở, mở đường đi.
Với tâm tư thanh tịnh,
Hãy cho kẻ trực tâm,
Cho đồ ăn, đồ uống,
Cho vải mặc, trú xá.
Như mây giông gầm thét,
Chớp sáng trăm đầu mây,
Nước mưa ào ào xuống,
Tràn đầy đất thấp cao.
Cũng vậy, bậc thiện tín,
Ða văn, trữ đồ ăn,
Thỏa mãn kẻ khất sĩ.
Kẻ trí tâm hoan hỷ,
Phân phát vật ăn uống,
Nói “Cho, hãy đem cho”.
Như vậy, la, gầm, thét,
Mưa móc như thần mưa,
Các công đức to lớn,
Do bố thí mang lại,
Ðem mưa ân, mưa móc,
Trên những người bố thí.

Xem chi tiết:

Kinh Tương Ưng Bộ – Tập 1 – Thiên Có Kệ – Chương III – Tương Ưng Kosala – III Phẩm Thứ Ba